Tăng cường liên kết, đẩy mạnh tiêu thụ nông lâm thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Hàng năm, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sản xuất hàng triệu tấn trái cây, rau quả, ngoài việc xuất khẩu thì phần lớn nông sản được tiêu thụ ở thị trường nội địa, vì vậy, việc tăng cường liên kết, giao thương các sản phẩm nông lâm thủy sản được các tỉnh, thành vùng ĐBSCL quan tâm, đẩy mạnh.
Liên kết, giao thương tiêu thu sản phẩm còn hạn chế
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giao thương giữa TP Cần Thơ và các tỉnh, thành phố trong năm 2022, hiện có 12 tỉnh thành phố với 53 sản phẩm được giao thương trên địa bàn thành phố Cần Thơ và đang đề xuất giao thương 32 sản phẩm nông lâm thủy sản của các địa phương; các tỉnh thành trên cả nước cũng đã cung cấp cho TP Cần Thơ danh sách 460 sản phẩm OCOP, sản phẩm có tiềm năng đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn và sản phẩm chủ lực của địa phương để tăng cường kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ cho biết, hiện có 17 địa phương đã ký kết với chương trình phối hợp giao thương với TP Cần Thơ, 5 địa phương khác đang xây dựng kế hoạch phối hợp. Trong giai đoạn 2022 – 2025, số chuỗi, quy mô chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn giữa TP Cần Thơ, các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh thành trong cả nước có khoảng 250 chuỗi; số chuỗi giá trị ngành hàng nông lâm thủy sản đạt chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản có khoảng 30 chuỗi.
Để đẩy mạnh giao thương tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu, đặc thù địa phương, Sở cũng đã ký biên bản ghi nhớ phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) và ứng dụng triển lãm nông nghiệp thực tế ảo (Virtual Exhibition) với Sàn TMĐT Mekong expo.
Theo đánh giá của ngành chức năng, thời gian qua việc giao thương hàng hóa giữa thành phố Cần Thơ với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và cả nước vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân khách quan do trở ngại về khoảng cách địa lý, do thời gian vận chuyển và phương pháp bảo quản làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng liên quan đến nhóm hàng thực phẩm.
Hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, phân phối qua nhiều trung gian, nguồn lực phát triển còn hạn chế, trình độ quản lý còn thấp. Trong khi đó, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp chưa thật sự thu hút được các hộ, các doanh nghiệp đầu tư, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản. Công tác thông tin thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu chưa thường xuyên.
Giải pháp đẩy mạnh liên kết giao thương, tiêu thụ sản phẩm
Nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ giữa TP Cần Thơ và các tỉnh thành vùng ĐBSCL, đẩy mạnh giao thương giữa ĐBSCL với các tỉnh thành cả nước, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, ngày 2/11, tại thành phố Cần Thơ, đại diện Lãnh đạo các Sở NN&PTNT các tỉnh, thành đã ký kết chương trình phối hợp bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giao thương giữa TP Cần Thơ và các tỉnh thành cả nước, với các nội dung như:
Xây dựng, củng cố, phát triển mô hình chuỗi cho cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến để tiêu thụ; phát triển nâng cấp truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản; kiểm soát chặt chẽ các loại sản phẩm trong chuỗi cung ứng nhất là ở các siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống.
Hợp tác chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm tại từng công đoạn và trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Từng bước nâng cấp chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn thành chuỗi giá trị bền vững theo chuẩn mực quốc tế; ưu tiên các chuỗi cung cấp giá trị ngành hàng thông qua các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống.
Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tổ chức tuyên truyền quảng bá, kết nối và xúc tiến thương mại sản phẩm giữa TP Cần Thơ và các tỉnh, thành; tư vấn hỗ trợ nhà sản xuất đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu; có chính sách hỗ trợ thông tin tuyên truyền quảng bá, nhận diện sản phẩm thông qua truyền thông, trang thông tin, TMĐT.
Tổ chức hội nghị, trưng bày sản phẩm, giới thiệu sản phẩm, các hoạt động kết nối sản xuất – tiêu thụ sản phẩm chất lượng, hỗ trợ giao dịch TMĐT ..
Để chương trình phối hợp, liên kết, giao thương đạt hiệu quả, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương cần thể hiện rõ trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện các nội dung chương trình ký kết, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện, tổ chức sơ tổng kết, đề ra những mục tiêu, chương trình cụ thể, với mục đích cuối cùng là tiêu thụ được thật nhiều nông sản cho vùng ĐBSCL và các địa phương.
“Sự tiêu thụ này nếu được vận hành đều đặn, việc giao thương sản phẩm nông lâm thủy sản được tăng cường, đẩy mạnh thì sẽ góp phần vào chiến lược an ninh lương thực, an ninh thực phẩm và an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng”, ông Tùng nhấn mạnh.
Hòa Minh