Vì sao gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa dùng hết hạn ngạch 80.000 tấn của hiệp định EVFTA?
Một trong những nguyên nhân lớn khiến gạo Việt Nam vẫn chưa dùng hết hạn ngạch ưu đãi thuế quan theo hiệp định EVFTA là do vấn đề về thương hiệu. Bên cạnh đó, chi phí logistics tăng quá cao khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị bào mòn.
Gạo xuất sang châu Âu chủ yếu dưới dạng gia công
Theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm gồm: 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 – 5 năm.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa sử dụng hết hạn ngạch ưu đãi thuế quan này. Theo đó, trong năm 2021 – một năm sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực (1/8/2020), ngành gạo Việt Nam thậm chí chưa sử dụng hết ngạch này khi mới chỉ xuất khẩu được khoảng 64.000 tấn, trị giá gần 19 triệu USD.
Mặc dù vẫn chưa dùng hết nhưng Việt Nam vẫn đàm phán để mở rộng thêm hạn ngạch hưởng thuế quan ưu đãi đối với mặt hàng này.
Chia sẻ tại toạ đàm Tận dụng EVFTA để xây dựng thương hiệu ngành hàng diễn ra hôm 8/8, ông Ngô Trung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên cho biết: “Khi chúng tôi trao đổi với phía EU về việc nâng hạn ngạch hưởng ưu đãi thuế quan với gạo thơm lên trên 30.000 tấn, họ nói Việt Nam đã có hạn ngạch 30.000 tấn còn chưa sử dụng hết thì đòi nâng thêm để làm gì? Trong quá trình đàm phán, chúng tôi đã đề nghị dư địa rất lớn, nhưng doanh nghiệp lại không tận dụng hết, đó là thách thức, chủ yếu do vấn đề thương hiệu”.
Gạo thơm Việt Nam thường được xuất khẩu sang EU dưới dạng gia công. Theo đó, sau khi gạo Việt Nam được xuất sang EU, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ đóng bao bì, nhãn mác của họ lên sản phẩm để bán cho người tiêu dùng do đó thương hiệu gạo Việt Nam vẫn chưa thực sự mạnh so với đối thủ như Thái Lan hay Campuchia mặc dù là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới.
Từ giữa năm ngoái, chỉ có một số ít doanh nghiệp bắt đầu đóng gạo bao bì của họ để bán cho người tiêu dùng nhưng con số này còn khá khiêm tốn..
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao cho biết công ty đang thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu gạo khi xuất khẩu sang EU.
“Gạo Việt Nam không phải là không ngon. Chúng tôi đang đẩy mạnh làm thương hiệu từ tháng 6/2021 bằng việc đóng bao bì của Trung An khi xuất khẩu gạo sang Châu Âu. Tuy nhiên nếu chỉ mình chúng tôi và một số doanh nghiệp khác làm thì không thể thay đổi được cả ngành mà các doanh nghiệp khác cùng làm để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam”, ông Bình nói.
Hay mới đây, hồi tháng 6, Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu lô gạo đầu tiên sang châu Âu mang thương hiệu riêng “Cơm ViệtNam Rice” mặc dù trước đó đã xuất rất nhiều lô hàng sang thị trường này. Tuy nhiên, khối lượng cũng rất nhỏ, chỉ khoảng 500 tấn.
Tại ĐHĐCĐ của Tập đoàn Lộc Trời, ông Philipp Roesler, thành viên HĐQT cho biết thời gian tới sẽ đẩy mạnh động xuất khẩu gạo với thương hiệu của công ty, theo Báo Nông nghiệp Việt Nam.
“Tôi được biết, gạo của Lộc Trời chỉ đang được phân phối dưới thương hiệu của đối tác tại các nước sở tại. Thời gian tới chúng tôi sẽ đưa các sản phẩm như Lộc Trời 28, Jasmine, Vibigaba và Sức sống Mekong… xuất khẩu vào các nước châu Âu dưới chính thương hiệu Lộc Trời”,ông Philipp Roesler nói.
Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng Nghị định về chứng nhận gạo thơm xuất khẩu sang EU mới chỉ được ban hành đầu năm 2022 – chậm một thời gian tương đối dài. Do đó, điều này tạo ra độ trễ trong xuất khẩu gạo.
Theo Bộ Công Thương thị phần gạo của Việt Nam tại EU còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm 3,1% trong tổng lượng gạo ngoại khối nhập khẩu vào EU. Trong khi đó, theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), EU nhập khẩu từ 3- 4 triệu tấn gạo mỗi năm.
Lợi thế từ EVFTA chỉ là ngắn hạn và chi phí logistics ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp
Hiện tại, mới chỉ có Việt Nam và Singapore ký hiệp định thương mại tự do với EU. Tuy nhiên, Singapore không có lợi thế về gạo. Bên cạnh đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào EU vẫn khá cạnh tranh so với các đối thủ cạnh tranh khác như Campuchia, Thái Lan và Ấn Độ nhờ EVFTA.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lợi thế thuế quan của hiệp định EVFTA là được xem là ngắn – trung hạn bởi EU cũng sẽ đàm phán với các nước khác, đặc biệt là các nước đối thủ trong ngành gạo.
“Có khả năng EU sẽ khởi động đàm phán với Thái Lan, Malaysia hay Indonesia lúc đấy lợi thế của Việt Nam không còn nữa. Do đó, lợi thế mà Việt Nam đang nhận được từ EU thông qua EVFTA chỉ là ngắn và trung hạn”, ông Khanh nói.
Ngoài ra, một vấn đề lớn khác là chi phí logistics khi xuất khẩu gạo sang thị trường EU tăng tới 4 – 10 lần từ năm ngoái đến nay, ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.
“Chi phí logistics tăng cao 4 – 10 lần chiếm 40% – 50% tổng giá thành gạo Việt Nam xuất khẩu sang EU và Mỹ. Cách đây 2 ngày, tôi đàm phán 1 lô gạo xuất đi Mỹ, cước tàu lên tới 400 USD/tấn, bằng luôn giá gạo rồi thì làm sao họ có thể nhập được?”, ông Bình nói.
Ngoài ra, các chi phí khác, trong đó có xăng dầu, phân bón tăng cao 40 – 50% cũng đang ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này.
Theo BCTC quý II của Trung An, chi phí bán hàng trong 6 tháng đầu năm nay tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái lên 82 tỷ đồng.
Theo số liệu chúng tôi có được, trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ trọng gạo của Trung An xuất khẩu sang EU khoảng 5%, thấp hơn con số 10% của năm 2021.
Mặc dù vậy, trong 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường của Trung An tăng gần 36% lên 21 triệu USD.
Trong đó, Hàn Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất, chiếm tới 60% tương đương 12,6 triệu USD. Theo sau là Trung Quốc, chiếm 20% tỷ trọng với 4,1 triệu USD.
Xuất khẩu gạo sang EU nửa đầu năm tăng mạnh
Một tín hiệu đáng mừng là xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU đang có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là gạo thơm. Trong 6 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu đạt 50.221, thu về 36,6 triệu USD, tăng gần gấp đôi ở cả hai chỉ số so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, chiếm gần một nửa là các loại gạo thơm (ST25, ST24, ST20, Đài Thơm 8, Jasmine…), còn lại là gạo trắng, gạo giống Nhật, gạo lứt, gạo hữu cơ.. Do đó, giá gạo xuất khẩu sang thị trường này khá cao, khoảng 730 USD/tấn, cao hơn 50% so với giá trung bình xuất sang các thị trường.
Với con số hạn ngạch là 80.000 tấn theo hiệp định EVFTA, Việt Nam còn khoảng 30.000 tấn gạo được hưởng ưu đãi thuế quan từ nay đến cuối năm.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 6, ông Bình cho rằng tình hình thiếu hụt lương thực trên thế giới, có thể tiếp diễn đến 2023 nên xuất khẩu gạo vẫn tăng trưởng. Công ty đang phát triển gạo hữu cơ để hướng đến thị trường cao cấp ở châu Âu. Ngoài ra nhu cầu đối với gạo và sản phẩm sau gạo như bún, phở ở châu Âu cũng đang rất cao.
“Dù gạo của Việt Nam tăng rất chậm bất chấp chi phí đầu vào tăng cao, tuy nhiên, tôi cho rằng lợi nhuận của nông dân và doanh nghiệp vẫn đảm bảo”, ông Bình nói.
Bộ Công Thương nhận định với nhu cầu ổn định, đặc biệt là ở mức cao đối với các loại gạo đặc sản từ châu Á, trong thời gian tới EU sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
H.Mĩ
Nguồn: vietnambiz.vn