Mỹ nhập khẩu hơn 25% lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam
Với 8,7 tỷ USD giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản từ Việt Nam, Mỹ là khách hàng “sộp” nhất chiếm 25%. Kế đến là Trung Quốc nhập 5,7 tỷ USD, Nhật Bản nhập 2,3 tỷ USD. Đó là những con số được Bộ NNPTNT thông báo tại buổi họp báo định kỳ đầu quý 3/2022 diễn ra vào hôm qua 1/8.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng sản xuất nông lâm thủy sản tiếp tục đạt được kết quả khả quan, xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng mạnh với thặng dư thương mại 7 tháng tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng 12,2%
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, tính đến trung tuần tháng 7, cả nước gieo cấy được 6.424,9ha lúa, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước; đã thu hoạch khoảng 3.830,5ha, giảm 0,3%; năng suất bình quân đạt 64,4 tạ/ha; sản lượng thu hoạch đạt gần 24,7triệu tấn, giảm 2,2%.
Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao khiến người chăn nuôi chưa yên tâm tái đàn, mở rộng quy mô sản xuất. Đàn bò, đàn lợn và gia cầm tiếp tục tăng. Cụ thể, đàn bò ước tăng khoảng 2,6%; đàn lợn tăng 4,8% và đàn gia cầm tăng 1,6%; riêng đàn trâu ước giảm khoảng 1,1%.
Tổng sản lượng thủy sản tháng 7 ước đạt 805.400 tấn, lũy kế 7 tháng, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 5,003 triệu tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, 7 tháng năm 2022, xuất khẩu nông sản tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, đã có 4 loại nông sản có giá trị xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD, gồm cà phê, gạo, tôm, sản phẩm gỗ.
Cụ thể, trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu nông sản ước đạt khoảng 4,8 tỷ USD, tăng 10,4% so với tháng 7/2021; trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính gần 2,0 tỷ USD, lâm sản chính ước trên 1,4 tỷ USD, thủy sản đạt 965 triệu USD và chăn nuôi đạt 42,1 triệu USD…
Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước gần 32,3 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt 13,3 tỷ USD, tăng 8,4%; lâm sản chính đạt trên 10,4 tỷ USD, tăng 1,3%; thủy sản ước đạt gần 6,7 tỷ USD, tăng 34,2%; chăn nuôi ước đạt 225,6 triệu USD, giảm 11,6%; xuất khẩu đầu vào sản xuất gần 1,7 tỷ USD, tăng 66,7%.
Đã có nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, như: Giá trị xuất khẩu cà phê đạt trên 2,6 tỷ USD (tăng 46,2%); cao su đạt trên 1,6 tỷ USD (tăng 7,0%); gạo trên 2 tỷ USD (tăng 9,0%); hồ tiêu khoảng 661 triệu USD (tăng 11,7%); sắn và sản phẩm sắn đạt 904 triệu USD (tăng 32,1%), cá tra đạt khoảng 1,6 tỷ USD (tăng 83,6%), tôm đạt trên 2,7 tỷ USD (tăng 26,2%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 9,7 tỷ USD (tăng 1,2%); mây, tre, cói thảm đạt 538 triệu USD (tăng 3,1%), phân bón các loại đạt 848 triệu USD (gấp 3,2 lần).
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, đạt gần 8,7 tỷ USD (chiếm 26,8% thị phần); đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc trên 5,7 tỷ USD (chiếm 17,8% thị phần); thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 2,3 tỷ USD (chiếm 7,2%); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,5 tỷ USD (chiếm 4,7%).
Tiếp tục mở rộng thị trường
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, để đạt được kết quả này, các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương, đa phương, mở cửa thị trường. Khảo sát tình hình tiêu thụ, phát triển thị trường nông sản tại các địa phương, cửa khẩu; hỗ trợ các địa phương, ngành hàng, đơn vị tổ chức các hội thảo, hội nghị, sự kiện.
Triển khai biên bản ghi nhớ hợp tác về chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tăng cường phổ biến tuyên truyền cho doanh nghiệp và người dân về những điều khoản quy định xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; cập nhật, phổ biến thường xuyên những thay đổi về quy định nhập khẩu của các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Tập trung hướng dẫn địa phương, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Đặc biệt, việc cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi được đẩy mạnh. Tháng 7, Bộ NNPTNT đã cấp mới 274 mã số vùng trồng và 20 mã số cơ sở đóng gói thạch đen, bưởi, xoài, lúa, khoai lang, thanh long của các địa phương Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Bình Thuận, Tiền Giang.
Trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ theo dõi, khảo sát nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất, nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương và tăng cường hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu (đặc biệt tại các cửa khẩu). Tiếp tục triển khai chương trình hợp tác chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Phối hợp tổ chức thực hiện các Diễn đàn 970 hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác song phương, đa phương, mở cửa thị trường nông sản với các nước; kịp thời cung cấp các thông tin, các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc.
Khánh Nguyên
Nguồn: https://danviet.vn/my-nhap-khau-bao-nhieu-nong-san-tu-viet-nam-20220801182550131.htm