Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường thành viên RCEP

Hiệp định RCEP được đánh giá sẽ mang lại lợi ích cho nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, trái cây, thủy sản…

Gạo, thủy sản, cà phê, hạt tiêu… là những mặt hàng xuất khẩu tiềm năng tại thị trường thành viên RCEP. Ảnh: TL

RCEP tạo cơ hội cho những mặt hàng có nhiều lợi thế xuất khẩu

Theo Bộ Công Thương, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang tạo ra một thị trường lớn và tiềm năng cho xuất khẩu. Đây là khu vực có nhiều nền kinh tế đang trên đà phát triển, nhu cầu tiêu dùng đa dạng.

Bên cạnh đó, một số quốc gia yêu cầu không quá cao về chất lượng sản phẩm – điều đang gặp phải trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA)… nên phù hợp với trình độ của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Vũ Tuấn Anh – Chủ tịch JCI Việt Nam – nhấn mạnh: Hiệp định RCEP mở ra thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu và mở rộng thị trường, tạo cơ hội cho các mặt hàng Việt Nam có lợi thế như: Gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản…

“Đặc biệt, dù bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ và nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi tương đối nhanh so với các thị trường trọng điểm như Châu Âu (EU), Mỹ, thì ý nghĩa của RCEP đối với xuất khẩu của Việt Nam càng quan trọng hơn. Nhờ vào cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ giá trị trong khu vực địa lý RCEP cùng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, FTA này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới” – ông Vũ Tuấn Anh nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia kinh tế, Hiệp định RCEP cũng thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN trong bối cảnh các chuỗi cung ứng bất ổn gần đây. Việc thực thi RCEP cũng tạo nên khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử… và tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực.

Nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan, từ đó gia tăng xuất khẩu trong khu vực này, đặc biệt là ở các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand…

Trong các FTA đã có trước đây, không ít sản phẩm xuất khẩu Việt Nam do sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước nằm ngoài FTA mà không đáp ứng yêu cầu xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan, nhưng giờ đây, Trung Quốc, Hàn Quốc và những nước vốn là nguồn cung nguyên liệu chủ yếu đều nằm trong RCEP khiến vấn đề về quy tắc xuất xứ để hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan RCEP trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Vì vậy, để tận dụng cơ hội nhằm tăng cường xuất khẩu sang RCEP thì việc tham gia Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường RCEP là cơ hội để doanh nghiệp tìm hiểu kỹ về yêu cầu thị trường.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại sang thị trường RCEP

Nhằm hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận những thông tin cập nhật về các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu thực phẩm của thị trường thành viên RCEP, ngày 8.6.2022, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại các thị trường thành viên RCEP (Australia, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc) tổ chức phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường RCEP.

Tại phiên tư vấn, ông Phạm Thế Cường – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia; bà Trần Lê Dung – phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia; bà Nguyễn Thu Hường – đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia sẽ thông tin tổng quan thị trường nông sản, thực phẩm tại các nước này, vấn đề tiếp cận, áp dụng quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm Việt Nam sang Australia, Indonesia và Malaysia.

Ông Tiền Triệu Cương – Chủ tịch Hiệp hội Xuất Nhập khẩu TP.Trùng Khánh (Trung Quốc) – cũng chia sẻ một số điều cần biết khi kinh doanh một số mặt hàng thực phẩm với thị trường Trung Quốc.

Vũ Long

Nguồn: https://laodong.vn/thi-truong/viet-nam-day-manh-xuat-khau-nong-san-sang-thi-truong-thanh-vien-rcep-1053417.ldo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *