Ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp: Tăng năng suất, chất lượng và bảo vệ môi trường
Nông nghiệp 4.0 là nền nông nghiệp thông minh, được cơ giới hóa và ứng dụng các thành tựu công nghệ vào sản xuất. Qua đó làm thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
TỪ CƠ GIỚI HÓA NÔNG NGHIỆP…
Thực tế cho thấy, nông nghiệp Bạc Liêu đã và đang từng bước được cơ giới hóa trong sản xuất. Hiện nay, từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc đến khâu sau thu hoạch đạt hơn 90%. Qua đó, giảm lượng thất thoát nông sản cũng như chi phí đầu tư, tăng thêm thu nhập đáng kể cho nông dân.
Cơ giới hóa trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần giải phóng sức lao động của nông dân; đưa nông nghiệp bước sang bước tiến nhảy vọt trong sản xuất từ số lượng đến chất lượng. Nông dân Nguyễn Văn Hùng (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) cho biết: “Hiện nay khâu làm đất được nông dân sử dụng cơ giới hóa hoàn toàn. Nhiều nơi còn san bằng mặt ruộng bằng tia laser, giúp nông dân chúng tôi giảm chi phí đầu tư và tăng lợi nhuận trong sản xuất”.
Ngoài ra, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn tận dụng được các phụ phẩm để tăng thêm thu nhập. Đơn cử như mới đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ đối ứng máy cuốn rơm cho Hợp tác xã (HTX) Toàn Thắng (xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi). Máy cuốn rơm trị giá 375 triệu đồng; trong đó, HTX bỏ vốn đối ứng 60% (tương đương 225 triệu đồng), còn lại 40% (khoảng 150 triệu đồng) do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ. HTX Toàn Thắng có hơn 100 xã viên với diện tích sản xuất khoảng 200ha. HTX hoạt động chủ yếu là dịch vụ nông nghiệp. Sau khi đầu tư và được hỗ trợ máy cuốn rơm, HTX làm dịch vụ cho xã viên và bà con trong vùng. Nông dân tận dụng rơm sau thu hoạch để bán cho nông trại nuôi bò, các hộ trồng rau màu nhằm tăng thêm thu nhập. Với mỗi công lúa sau thu hoạch thì máy cuốn được khoảng 15 cuộn rơm, trừ chi phí nông dân và các xã viên thu thêm 150.000 đồng. Được biết, đây là máy cuốn rơm đầu tiên được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ đối ứng với HTX Toàn Thắng làm mô hình thí điểm và sẽ tiếp tục nhân rộng ra các HTX trong thời gian tới.
Việc áp dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật mang tính quyết định để nâng cao chất lượng nông sản, phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao. Với sự bùng nổ của khoa học – công nghệ, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xem là xu hướng và là giải pháp tất yếu. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường.
…ĐẾN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ 4.0
Những công nghệ tiên tiến đã giúp nền nông nghiệp phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng. Do đó, việc ứng dụng thành quả của khoa học – công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp thông minh là xu hướng tất yếu.
Công nghệ kỹ thuật số có thể giúp nông dân đưa ra quyết định sáng suốt hơn về thời gian và cây trồng. Công nghệ mới có thể giúp bón phân đúng thời điểm, lượng cần thiết vừa đủ cho cây, tiết kiệm chi phí…
Mới đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ đối ứng máy bay nông nghiệp không người lái cho HTX Thanh Sơn (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình). Máy bay có giá 620 triệu đồng; trong đó, Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 40% (tương đương 280 triệu đồng), phần còn lại 60% do các thành viên HTX góp vốn đối ứng. Đây là máy bay nông nghiệp thực hiện chức năng “3 trong 1”: phun thuốc bảo vệ thực vật, gieo sạ và bón phân cho lúa. Việc đưa máy bay nông nghiệp vào phục vụ sản xuất sẽ góp phần giảm chi phí cho các thành viên trong HTX; đồng thời, có thể làm dịch vụ nông nghiệp nhằm tăng thêm nguồn thu nhập cho HTX.
Hướng đến nền nông nghiệp công nghệ số hiện đại, cần đẩy nhanh việc ứng dụng các thành tựu khoa học – công nghệ tiên tiến vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường hợp tác, liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hình thành các mô hình liên kết. Giải pháp công nghệ mới nâng cao khả năng kết nối sản xuất – thị trường, tăng cường năng lực dự báo cung – cầu nông sản.
Ông Lê Hữu Ân – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: “Năm 2022, Trung tâm sẽ tiếp tục đồng hành cùng nông dân trong việc hỗ trợ công nghệ mới cho các HTX. Cụ thể là máy bay nông nghiệp không người lái để áp dụng vào gieo sạ, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất”.
Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội và cũng là thách thức khi nông dân tham gia vào quá trình xây dựng ngành Nông nghiệp ứng dụng công nghệ số. Hy vọng, một nền nông nghiệp 4.0 không còn xa lạ đối với nông dân Bạc Liêu trong tương lai gần.
MINH ĐẠT
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/nong-nghiep-nong-dan-nong-thon/ung-dung-cong-nghe-4-0-vao-san-xuat-nong-nghiep-tang-nang-suat-chat-luong-va-bao-ve-moi-truong-76120.html