Xây dựng thương hiệu nông sản dựa trên thế mạnh địa phương
Xây dựng thương hiệu nông sản Việt dựa trên thế mạnh nông sản của từng địa phương đang là một trong những xu thế được đánh giá mang lại hiệu quả bền vững.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, cần có những điều chỉnh để đảm bảo tăng trưởng cũng như tận dụng tốt cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do mang lại giúp nâng cao khả năng cạnh tranh.
Theo chiều chuyên gia, thời gian tới, cần coi mục tiêu phát triển nông thôn và ưu đãi nông dân là một chính sách lớn. Từ đó, tạo điều kiện tốt hơn cho các nhà khoa học, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước thúc đẩy các chương trình, dự án phát triển nông thôn nhằm tăng cường năng lực cho nông dân và nâng cao chất lượng cuộc sống của họ.
Nông dân phải được tiếp cận tiến bộ khoa học, kỹ thuật, các kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổ chức tốt thị trường, hệ thống và các kênh phân phối nông sản.
Việc tổ chức tốt lưu thông hàng hóa cần tập trung tạo ra những tiền đề bên trong cho sản xuất và phân công lao động trong nông nghiệp theo hướng mở rộng các ngành nghề chế biến dịch vụ bên cạnh sản xuất nông nghiệp, đồng thời tạo ra các tiền đề bên ngoài, nhất là mở rộng thị trường xuất khẩu để đưa sản xuất hàng hoá ở nông thôn lên quy mô lớn, tiếp cận với thị trường thế giới.
Vấn đề đẩy mạnh tiêu thụ nông sản rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, các nhà khoa học, doanh nghiệp cũng như người nông dân. Trong đó, Nhà nước có vai trò xây dựng cơ chế chính sách, đưa ra dự báo, kế hoạch sản xuất cho người nông dân; các nhà khoa học hướng dẫn ứng dụng công nghệ tiên tiến tăng năng suất lao động, còn doanh nghiệp tìm thị trường tiêu thụ và người nông dân trực tiếp sản xuất theo định hướng.
Trong bối cảnh hiện nay, mặc dù sản xuất ở quy mô nhỏ gắn với kinh tế hộ gia đình, nhưng lưu thông phải từng bước trở thành lưu thông lớn mới mở rộng quy mô sản xuất và thực hiện chuyên môn hoá. Vì thế, cần có các chủ thể trung gian cần thiết hỗ trợ cho chủ thể trung tâm của thị trường nông thôn là hộ gia đình; cần đặc biệt coi trọng vai trò cung ứng dịch vụ của hợp tác xã kiểu mới.
Tăng cường xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Chương trình Thương hiệu quốc gia ngoài việc lựa chọn các thương hiệu dẫn đầu như hiện nay, cần lựa chọn, khai thác sản phẩm độc đáo, có chỉ dẫn địa lý ở các địa phương, tích hợp các giá trị, tri thức bản địa và thương mại hóa. Mỗi ngành hàng nông sản cần đề ra một chiến lược phát triển thương hiệu của mình…
Tại chương trình “Nông nghiệp thông minh”, lãnh đạo một số địa phương cho biết, đang áp dụng thực hiện quy trình sản xuất an toàn, nguồn gốc xuất xứ nông sản rõ ràng, cùng với việc áp dụng các công nghệ số cho hoạt động đầu ra mở rộng thị trường. Đặc biệt, một số địa phương đang xây dựng và khôi phục thương hiệu cho các sản phẩm từng một thời là đặc sản đã nổi tiếng có chất lượng.
Theo ông Trần Đình Hiệp, Phó giám đốc sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình: Địa phương đang tập trung hỗ trợ phát triển theo chuỗi giá trị hình thành thương hiệu của sản phẩm để gắn kết giữa thị trường với người tiêu dùng và người sản xuất để đảm bảo là người tiêu dùng có được sản phẩm chất lượng tốt đồng thời người sản xuất bán được sản phẩm với giá tương ứng với năng suất và chất lượng của sản phẩm đem lại.
Còn tại Hà tĩnh, bà con nông dân tỉnh này năm nay được mùa cam với sản lượng lớn. Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: Dù sản lượng cam năm nay rất lớn, nhưng Hà Tĩnh vẫn tin tưởng sẽ thuyết phục được thị trường bằng chất lượng, tiêu chuẩn nông nghiệp sạch.
Hiện nay, Hà Tĩnh đã thực hiện số hóa gần hết toàn bộ diện tích cây có múi đạt tiêu chuẩn VietGAP. Diện tích này được truy suất nguồn gốc đến từng hợp tác xã, cơ sở sản xuất, thậm chí đến từng hộ gia đình. Từ đó, khẳng định được vị thế các loại trái cây có múi của địa phương trên thị trường nội địa và xuất khẩu.
Thu Ngô
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/xay-dung-thuong-hieu-nong-san-dua-tren-the-manh-dia-phuong-d326881.html