Mang bơ bản địa đi đánh xứ người
TP – Tốt nghiệp thạc sĩ ngành Điều khiển tự động tại Pháp, Đặng Dương Minh Hoàng (SN 1988) quyết định trở về trồng bơ và phát triển thương hiệu “Bơ Ông Hoàng”. Đến nay, thương hiệu “Bơ Ông Hoàng” đã vươn ra thị trường nhiều nước trên thế giới.
Đi để trở về
Sinh ra trong gia đình làm nông ở Bình Phước, Đặng Dương Minh Hoàng nhận được học bổng du học tại Pháp. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành Điều khiển tự động, Hoàng được nhận vào làm việc cho một doanh nghiệp tại đây với mức thu nhập rất cao. “Ngay từ đầu, tôi xác định đi để trở về, ra nước ngoài để học hỏi, đưa kiến thức về nước áp dụng”, Hoàng nói.
Gia đình Hoàng có khoảng 50 ha đất (ở thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) trồng nhiều loại cây khác nhau như tiêu, điều, cao su… Nông sản được mùa nhưng toàn phải bán cho thương lái với giá thấp. Với kiến thức về công nghệ học được, anh quyết định trở về quê hương với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất của gia đình. “Sau khi được cha mẹ đồng ý, tôi đầu tư trồng bơ với quyết tâm khẳng định được thương hiệu. Bây giờ, thương hiệu “Bơ Ông Hoàng” đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới”, Hoàng chia sẻ.
Theo Hoàng, bơ là cây ăn trái có giá trị cao quả có độ ngọt thanh, béo dẻo vừa phải, không khác với bơ Nam Mỹ mà anh từng dùng bên Pháp, có thể ăn sống và làm sa lát. “Khi chọn cây trồng, tôi muốn sản phẩm phải có mặt trên thị trường quốc tế, phù hợp với thị trường muốn xuất khẩu. Đó là lý do tôi chọn bơ bản địa của Bình Phước để khởi nghiệp”, Hoàng nói.
Khởi nghiệp từ năm 2018, đến nay thương hiệu “Bơ Ông Hoàng” không chỉ được trong nước biết đến mà có mặt trên thị trường một số nước như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản. Năm 2022, Bơ Ông Hoàng cho lợi nhuận gần 10 tỷ đồng. Năm 2023 dự kiến đạt hơn 100 tỷ đồng.
Tiên phong xây dựng mã vùng trồng
Có thể khẳng định Đặng Dương Minh Hoàng là người tiên phong xây dựng mã vùng trồng cho các loại cây ăn quả, số hóa từng cây. Mỗi loại cây là một trang web, một nhật ký điện tử và làm mô hình xuất khẩu chính ngạch vào thị trường các nước, nâng tầm nông sản Việt Nam. “Cha đẻ” Bơ Ông Hoàng cho biết, đang áp dụng “Nhật ký số trong sản xuất” cho bà con nông dân địa phương, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
“Nông trại có phần mềm, mỗi cây trồng đều có mã QR, chỉ cần truy cập vào sẽ nhìn thấy được quá trình sinh trưởng, cho đến khi thu hoạch trái. Mọi người chỉ cần ngồi trên máy tính, điện thoại cũng có thể nhìn thấy chúng tôi bón phân nào, phun thuốc gì… nhờ đó nâng uy tín thương hiệu nông sản sạch, được đánh giá cao”, Hoàng chia sẻ.
Hiện nông trại của Đặng Dương Minh Hoàng tạo việc làm cho 35 người lao động thường xuyên và thời vụ; đồng thời tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc S’tiêng và Khmer thông qua hình thức góp vốn trong chăn nuôi với mục tiêu đôi bên cùng có lợi và phát triển trang trại với quy trình sản xuất khép kín.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ và sáng tạo, Đặng Dương Minh Hoàng đã nhận được Giải thưởng Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam; Giải thưởng Lương Định Của của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Giải thưởng “Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực” cho các nước tiểu vùng sông Mekong do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tổ chức năm 2022. Mới đây, anh là một trong số 20 đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022.
“Làm giàu cho chính mình không phải là lý tưởng của tôi. Tôi muốn tạo ra một sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu Việt Nam có uy tín. Mặt khác, tôi muốn hỗ trợ nông dân địa phương từng bước phát triển bền vững sản phẩm họ tạo ra với nguồn thu nhập ổn định”, Hoàng chia sẻ thêm.
Hương Chi
Nguồn: https://tienphong.vn/mang-bo-ban-dia-di-danh-xu-nguoi-post1512835.tpo