Số hóa truy xuất nguồn gốc nông sản – “bệ đỡ” cho nền nông nghiệp minh bạch
Số hóa truy xuất nguồn gốc nông sản là “bệ đỡ” để từng bước hiện thực hóa cam kết xây dựng nền nông nghiệp “minh bạch – trách nhiệm – bền vững” của Việt Nam.
Công nghệ giúp hoạt động truy xuất nguồn gốc trở nên minh bạch
Ngày 28/2, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ NNPTNT) và Nhóm tham vấn kinh doanh nông nghiệp (ARG) của Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc tại Việt Nam (ACIAR) phối hợp tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản – thực phẩm”. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến trên các nền tảng của Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Mở đầu Diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: “Việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ không chỉ phục vụ cho việc xuất khẩu mà trước hết chính vì sức khỏe của 100 triệu người dân Việt Nam”.
Nông sản Việt Nam đã có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, điều đó cho thấy uy tín và vị thế ngày càng cao của nông sản Việt trên thị trường quốc tế; giúp kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt trên 53,22 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Thạch cho biết, thành tựu luôn song hành với thách thức khi thị trường quốc tế ngày càng khắt khe với các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, là việc nông sản cần đảm bảo yêu cầu, quy định đưa ra từ phía nước nhập khẩu, trong đó, có vấn đề thực hiện truy xuất nguồn gốc.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ NNPTNT không ngừng nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số để xây dựng một nền nông nghiệp minh bạch, tích hợp đa giá trị, hướng tới xóa bỏ một nền nông nghiệp “mù mờ” từ người mua, người bán đến cơ quan quản lý, “mù mờ” từ thị trường, chất lượng đến xuất xứ, nguồn gốc… Những nỗ lực đó nhằm từng bước hiện thực hóa cam kết của Việt Nam xây dựng nền nông nghiệp “minh bạch – trách nhiệm – bền vững”.
Điều này cũng góp phần định danh nông sản Việt, xây dựng lòng tin, khẳng định thương hiệu về chất lượng của nông sản Việt trên thị trường nội địa và quốc tế, cũng như những lợi ích kinh tế mang lại cho người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.
Ông Thạch cũng cho rằng, việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng là việc của mỗi người, của cả cộng đồng cùng chung tay nhằm thay đổi tư duy sản xuất, chứ không chỉ là trách nhiệm của người sản xuất, người nông dân, HTX, doanh nghiệp, địa phương hay chỉ là trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Trong đó, việc số hóa, ứng dụng khoa học công nghệ đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Howard Hall, Cố vấn cao cấp ACIAR cho biết, trong hơn 30 năm hoạt động tại Việt Nam, ACIAR luôn hướng đến hỗ trợ cộng đồng nông dân tiếp cận các thông tin liên quan đến thị trường hay thị hiếu người tiêu dùng,… trên nhiều lĩnh vực như: thực phẩm, rau an toàn, cà phê,… ACIAR luôn tích cực chuyển giao, hỗ trợ nông dân tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, trong đó có việc áp dụng khoa học công nghệ để truy xuất nguồn gốc xuất xứ nông sản.
Nhận định về tầm quan trọng của việc áp dụng khoa học công nghệ để truy xuất nguồn gốc xuất xứ, ông Howard Hall cho biết, công nghệ giúp hoạt động truy xuất nguồn gốc xuất xứ trở nên minh bạch, qua đó, các sản phẩm nông sản, thực phẩm khi tới tay người tiêu dùng luôn đạt chất lượng tốt và đầy đủ thông tin theo nhu cầu của người tiêu dùng nhất.
Cần sự kết nối, dẫn dắt từ Cổng Truy xuất nguồn gốc Quốc gia
Chia sẻ về nguyên tắc để quản lý truy xuất nguồn gốc, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, đó là chúng ta kiểm soát toàn bộ thông tin từ trang trại, vườn trồng đến sơ chế, đóng gói, chế biến, lưu kho, vận chuyển, phân phối và tiêu dùng. Để đảm bảo điều đó, Cục Bảo vệ thực vật đã đưa ra toàn bộ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm thuộc vi phạm quản lý của Bộ NNPTNT (thực phẩm thực vật).
Theo đó, vườn trồng hoặc cơ sở đóng gói có nhu cầu đăng ký mã số thì trước tiên phải bảo đảm tuân thủ các yêu cầu của nước nhập khẩu. Việc đăng ký mã số trên cơ sở tự nguyện.
Cũng theo ông Huỳnh Tấn Đạt, việc kiểm tra đánh giá là căn cứ để cấp mã số hoặc duy trì, phục hồi mã số. Mã số phải được công nhận bởi nước nhập khẩu. Mã số được cấp phải luôn bảo đảm tuân thủ các điều kiện của nước nhập khẩu và phải được giám sát bởi cơ quan quản lý để duy trì mã số.
Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật đang xây dựng phần mềm quản lý cơ sở đóng gói tại địa chỉ: https://cms.packinghouse.online và các chủ cơ sở đóng gói có thể liên hệ với Cục Bảo vệ thực vật để có tài khoản dùng thử.
Bên cạnh đó, Cục đã xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu. Hệ thống sử dụng cho các cơ quan quản lý và kết nối dữ liệu với “Nhật ký đồng ruộng” và trong tương lai là phần mềm về “quản lý cơ sở đóng gói”.
“Trong quá trình triển khai các hệ thống cơ sở dữ liệu này, chúng tôi còn kết hợp với rất nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực để kiểm soát tốt các vấn đề liên quan từ giai đoạn sinh trưởng, phát triển, từ năng suất, sản lượng của cây trồng cho đến diễn biến tình hình gây hại hay rủi ro trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến và lưu kho…”, ông Đạt nói.
Ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho biết, Hệ thống Truy xuất nguồn gốc của Bộ NNPTNT đang được cài đặt và vận hành chính thức tại Bộ tại địa chỉ truy cập: http://checkvn.mard.gov.vn/
Hệ thống đã xây dựng được 3 phân hệ chính gồm: Cổng thông tin Truy xuất nguồn gốc; Hệ thống quản lý, cập nhật thông tin, dữ liệu về Truy xuất nguồn gốc dành cho đối tượng là cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp; Cho phép khai thác sử dụng bằng ứng dụng trên thiết bị di động trong việc tìm kiếm, truy vết, tra cứu thông tin nguồn gốc sản phẩm.
Đến thời điểm hiện tại, hệ thống đang kết nối, chia sẻ dữ liệu với 8 hệ thống Truy xuất nguồn gốc của 8 tỉnh, thành phố và có hơn 3.964 doanh nghiệp với bộ mã truy xuất nguồn gốc của 16.987 sản phẩm nông sản thực phẩm.
So sánh với hệ thống Dịch vụ công Quốc gia, ông Nam cho rằng, để hệ thống Truy xuất nguồn gốc tại Bộ NNPTNT hoạt động thực sự hiệu quả, rất cần sự kết nối, dẫn dắt của Cổng Truy xuất nguồn gốc Quốc gia. Do đó, đại diện Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp kiến nghị, Truy xuất nguồn gốc nông sản nói riêng và các sản phẩm khác nói chung cần được xây dựng, phát triển theo hướng kết nối, liên thông và tập trung.