Từ việc giải cứu cam đến quy hoạch nông sản

Câu chuyện trái cam hôm nay đã từng xảy ra với mít, dưa hấu, tỏi, thanh long, dừa, khoai lang tím và cả tôm hùm..

Những ngày gần đây, trên nhiều ngả đường cho đến các trang mạng xã hội rộ lên những lời kêu gọi giải cứu cam sành. Nguồn cung nhiều khiến giá cam sành tại tỉnh Vĩnh Long lao dốc mạnh, từ 12.000 đồng/kg trước Tết xuống 2.000 – 3.000 đồng/kg nhưng vẫn không có thương lái đến thu mua. 

Câu chuyện trái cam hôm nay đã từng xảy ra với mít, dưa hấu, tỏi, thanh long, dừa, khoai lang tím và cả tôm hùm..

Trong khi đó, đôi khi người nông dân phải bán sản phẩm với giá rẻ, người tiêu dùng vẫn phải sử dụng với giá đắt. Đầu ra sản phẩm nông nghiệp đến nay là một bài toán lớn chưa có lời giải căn cơ. Ai cũng biết một nền nông nghiệp phát triển bền vững không thể dựa vào “giải cứu” và lòng trắc ẩn của người tiêu dùng nhưng bao năm qua, chúng ta vẫn loay hoay tìm kiếm giải pháp khắc phục.

Xu hướng hiện nay, nông nghiệp muốn phát triển thì việc “liên kết 4 nhà”: nhà nước – nhà nông – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp là tất yếu. Sự liên kết này phải chặt chẽ, đồng bộ bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên thì mới đưa được sản phẩm từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng.

Với vai trò quản lý, nhà nước phải đưa ra các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phù hợp; đồng thời quy hoạch các vùng nguyên liệu để tạo ra sản phẩm hàng hóa. Nghiên cứu mở rộng thị trường tiêu thụ tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường một vài nước. Không can thiệp thô bạo vào quy luật cung – cầu nhưng nhà nước phải tạo ra một hành lang pháp lý để điều phối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu dùng nhằm tránh tình trạng cung vượt cầu.

Đối với nhà nông, chủ thể chính của nền nông nghiệp, cần phải thay đổi căn bản tư duy sản xuất. Phải bỏ thói quen sản xuất nhỏ lẻ, “cầu may”; chậm ứng dụng khoa học – kỹ thuật; ít quan tâm đến thông tin thị trường; xem nhẹ các quy hoạch vùng nguyên liệu… Trong cuộc cạnh tranh thị trường hiện nay, nông dân cần tuân thủ nghiêm ngặt “luật chơi” mới mong mở rộng đầu ra cho sản phẩm.

Với nhà khoa học, việc nghiên cứu các loại giống mới, các quy trình kỹ thuật để nâng cao chất lượng nông sản sẽ giúp nông dân dễ tiêu thụ sản phẩm và sản xuất bền vững. Nghiên cứu khoa học phải vì mục tiêu sản xuất và ngược lại, những thách thức đặt ra cho nông nghiệp phải trở thành đơn đặt hàng cho nhà khoa học nghiên cứu tìm ra giải pháp khắc phục.

Ngoài ra, công nghiệp chế biến nông sản chưa đủ tầm và hệ thống phân phối hàng hóa chưa có sự kết nối chặt chẽ theo chuỗi giá trị hàng hóa nên rất cần vai trò, sự liên kết của các hiệp hội ngành hàng và hệ thống liên minh hợp tác xã để có thể phát huy vai trò ở những thời điểm nông sản gặp khó trong tiêu thụ.

Tương Quan

Nguồn: https://nld.com.vn/ban-doc/tu-viec-giai-cuu-cam-den-quy-hoach-nong-san-20230222205639094.htm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *