Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 4-11/11: Giá mặt hàng kim loại, nông sản tiếp tục tăng, năng lượng điều chỉnh giảm
Kết thúc tuần giao dịch từ 4-7/11, trong khi giá mặt hàng năng lượng như dầu mỏ, khí đốt điều chỉnh giảm sau vài tuần tăng giá liên tục, thì các mặt hàng hàng kim loại, nông sản, nguyên liệu công nghiệp tiếp tục đi lên, đặc biệt là giá vàng.
Năng lượng: Giá dầu giảm 4%, khí LNG giảm 8%
Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu tăng vào thứ Sáu (11/11), sau khi Trung Quốc nới lỏng một số hạn chế Covid-19, làm tăng hy vọng hoạt động kinh tế và nhu cầu ở nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.
Cụ thể, dầu thô Brent giao sau tăng 2,32 USD lên 95,99 USD/thùng, kéo dài mức tăng 1,1% so với phiên 10/11. Tương tự, giá dầu thô Mỹ (WTI) tăng 2,49 USD (+2,9%) lên 88,96 USD/thùng.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá 2 loại dầu đều giảm, trong đó dầu thô Brent giảm 2,6% và dầu WTI giảm gần 4%.
Giá dầu trong tuần giảm do tồn kho dầu của Mỹ tăng và lo ngại kéo dài về nhu cầu nhiên liệu ở Trung Quốc, nhưng mức tăng vào cuối tuần đã hạn chế đà giảm.
Ngoài ra, USD giảm cũng hỗ trợ giá dầu vì làm cho hàng hóa này rẻ hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng mạnh tay khoảng 2 triệu thùng/ngày tại cuộc họp tháng trước. Khối này sẽ nhóm họp lại vào ngày 4/12/2022 để đánh giá và đưa ra chính sách của mình.
Trên thị trường khí đốt, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ cũng giảm mạnh vào thứ Sáu (11/11) do dự báo về nhu cầu giảm vào tuần tới do thời tiết ấm hơn.
Cụ thể, hợp đồng khí đốt giao sau giảm 36,0 cent (-5,8%) xuống 5,879 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu) và tính cả tuần giảm khoảng 8%, sau khi tăng khoảng 15% và 13% trong hai tuần trước đó.
Từ đầu năm 2022 đến nay, giá khí đốt đã tăng khoảng 58% do gián đoạn nguồn cung.
Nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv cho biết sản lượng khí đốt trung bình ở 48 tiểu bang của Mỹ đã giảm xuống 98,6 bcfd trong tháng 11, giảm từ mức kỷ lục 99,4 bcfd vào tháng 10.
Với thời tiết lạnh hơn nhiều sắp tới, Refinitiv dự báo nhu cầu khí đốt trung bình của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ tăng từ 98,2 bcfd trong tuần này lên 119,9 bcfd vào tuần tới và 124,2 bcfd trong hai tuần.
Lượng khí trung bình đến các nhà máy xuất khẩu của Mỹ cho đến nay đã tăng lên 11,5 bcfd trong tháng 11, tăng từ 11,3 bcfd trong tháng 10.
Kim loại: Vàng tiếp tục leo cao; đồng, quặng sắt, thép cũng bật mạnh
Ở nhóm kim loại quý, giá vàng tăng lên mức cao nhất gần 3 tháng và có tuần tăng mạnh nhất hơn 2,5 năm, khi lạm phát của Mỹ hạ nhiệt đã củng cố đặt cược Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm bớt việc tăng lãi suất trong thời gian tới.
Cụ thể, vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,7% lên 1.766,39 USD/ounce, sau khi tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 18/8/2022 trong đầu phiên giao dịch. Tính chung cả tuần, giá vàng tăng hơn 5%. Vàng kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn New York tăng 0,9% lên 1.769,4 USD/ounce.
Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 10/2022 tăng ít hơn so với dự kiến và lạm phát hàng năm dưới 8% – lần đầu tiên trong 8 tháng. Số liệu lạm phát đã khiến USD giảm và có 2 phiên giảm mạnh nhất trong gần 14 năm, khiến vàng trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá nhìn chung đều đi lên sau khi Trung Quốc nới lỏng một số quy định về Covid-19, thúc đẩy hy vọng nước này sẽ từ bỏ chính sách zero-Covid, đã làm giảm hoạt động kinh tế và nhu cầu kim loại.
Trong đó, giá đồng trên sàn London tăng 2,7% lên 8.495 USD/tấn, sau khi đạt 8.555 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 6/2022.
Tính từ đầu tháng đến nay, giá đồng tăng 14% do kỳ vọng nhu cầu Trung Quốc phục hồi, song vẫn giảm hơn 20% kể từ mức cao đỉnh điểm trong tháng 3/2022 do hoạt động kinh tế suy yếu.
Giá quặng sắt tại Đại Liên cũng tăng khi Trung Quốc nới lỏng một số quy tắc về Covid-19, sau khi cơ quan lãnh đạo hàng đầu mới của quốc gia này nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm thiểu tác động của việc ngăn chặn dịch bùng phát đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Cụ thể, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Đại Liên tăng 5% lên 708,5 CNY (99,86 USD)/tấn, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 12/10/2022 (720 CNY/tấn).
Đồng thời, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn Singapore tăng 8,2% lên 93,6 USD/tấn.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 2,5%, thép cuộn cán nóng tăng 2,1%, thép cuộn và thép không gỉ đều tăng 3,3%.
Nông sản: Đà tăng chưa dứt
Giá lúa mì, ngô và đậu tương tại Chicago tăng được củng cố bởi thị trường hàng hóa và chứng khoán tăng mạnh, cũng như kỳ vọng việc nới lỏng các hạn chế Covid-19 của Trung Quốc có thể thúc đẩy nhu cầu.
Cụ thể, trên sàn Chicago, giá lúa mì tăng 10-1/4 US cent lên 8,13-3/4 USD/bushel. Giá ngô tăng 4-3/4 US cent lên 6,58 USD/bushel và giá đậu tương tăng 27 US cent lên 14,5 USD/bushel.
Nguyên liệu công nghiệp: Giá dầu cọ điều chỉnh giảm, trong khi đường, cà phê, cao su tiếp tục tăng
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn ICE tăng 0,23 US cent (+1,2%) lên 19,64 US cent/lb, sau khi đạt mức cao nhất 5 tháng (19,85 US cent/lb). Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn London tăng 11,4 USD (+2,1%) lên 566,5 USD/tấn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn ICE tăng 0,4 US cent (+0,2%) lên 1,681 USD/lb, rời khỏi mức thấp nhất 15 tháng (1,6045 USD/lb) trong phiên trước đó. Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn London tăng 9 USD (+0,5%) lên 1.836 USD/tấn, hồi phục từ mức thấp nhất 15 tháng (1.788 USD/tấn) trong phiên trước đó.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng theo xu hướng giá cao su tại thị trường Thượng Hải tăng và thị trường chứng khoán nội địa tăng mạnh, khi các hạn chế Covid-19 được nới lỏng, bất chấp các trường hợp nhiễm dịch tại nước mua hàng đầu Trung Quốc gia tăng, đã hỗ trợ thị trường.
Cụ thể, giá cao su kỳ hạn tháng 4/2023 trên sàn Osaka tăng 0,9 JPY (+0,4%) lên 217 JPY (1,53 USD)/kg. Tính chung cả tuần, giá cao su tăng hơn 1,6%. Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Thượng Hải tăng 20 CNY lên 12.590 CNY (1.774 USD)/tấn. Giá cao su kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn Singapore tăng 2,6% lên 127,9 US cent/kg.
Giá dầu cọ Malaysia phiên giao dịch ngày 11/11 tăng vọt nhờ số liệu xuất khẩu đầu tháng 11 tăng mạnh, nhưng cả tuần giá vẫn trên đà sụt giảm và Indonesia có kế hoạch tăng giá tham chiếu thuế xuất khẩu.
Cụ thể, hợp đồng dầu cọ giao tháng 1/2023 trên sàn Bursa Malaysia đầu phiên giao dịch tăng 106 ringgit (+2,54%) lên 4.284 ringgit (923,87 USD)/tấn. Thời điểm nghỉ giữa ngày, hợp đồng kỳ hạn này chốt ở 4.213 ringgit (908,17 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá dầu cọ giảm 1,9%.
Tại nhà sản xuất dầu cọ hàng đầu Indonesia, quan chức Bộ Thương mại Farid Amir cho biết, Jakarta có kế hoạch đặt giá dầu cọ thô tham chiếu cao hơn ở mức 826,58 USD/tấn cho các chuyến hàng từ ngày 16-30/11/2022.
Sathia Varqa, đồng sáng lập của Palm Oil Analytics có trụ sở tại Singapore, cho biết phí và thuế cao hơn của Indonesia có thể làm giảm chiết khấu giá của Indonesia và điều này sẽ giúp giá dầu cọ của Malaysia tăng lên.
Mưa lớn và nguy cơ lũ lụt cao do ảnh hưởng của La Nina đang đe dọa đến thu hoạch của các nhà sản xuất lớn nhất thế giới Indonesia và Malaysia, có thể sẽ ảnh hưởng đến sản xuất trong tháng 11 và tháng 12 tới.
Trên sàn Đại Liên, giá dầu đậu tương giảm 1% trong khi giá dầu cọ tăng 2%. Trên sàn Chicago, giá dầu đậu tương tăng 0,3%. Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá dầu có liên quan khi cạnh tranh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.
Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua
N.Tùng