Cơ hội, thách thức trong giai đoạn tới của xuất khẩu nông sản chủ lực

Nhờ có nhiều kỷ lục về nông sản, ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục giữ vững mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 54-55 tỷ USD trong năm 2023 dù gặp khó khăn do tác động tiêu cực từ sức mua giảm mạnh.

Người dân ở Đắk Nông thu hoạch càphê. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp ngành nông nghiệp Việt Nam tham gia thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, nằm trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới và đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.

Nhờ có nhiều kỷ lục về nông sản, ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục giữ vững mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 54-55 tỷ USD trong năm 2023 dù gặp khó khăn do tác động tiêu cực từ sức mua giảm mạnh của nhiều thị trường lớn.

Nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu

Hội nhập quốc tế mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực nhờ cắt giảm thuế quan như các mặt hàng gạo, càphê, thủy sản, rau quả. Nông sản Việt Nam có nhiều cơ hội lựa chọn thị trường, đối tác phù hợp, có nhiều lợi thế hơn trong thương mại.

Bên cạnh đó, với những lợi thế về nông nghiệp và điều kiện tự nhiên, nông sản Việt Nam có những thế mạnh nhất định để cạnh tranh trên thị trường thế giới với nông sản xuất khẩu.

Thứ nhất là nhu cầu về lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng mạnh. Trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, sự mất ổn định và biến động về kinh tế, chính trị thế giới, mối lo ngại về an ninh lương thực mở ra nhiều cơ hội trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Nông sản Việt Nam được xuất khẩu sang rất nhiều thị trường trên thế giới đặc biệt là những thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản… Với nhiều thuận lợi trong sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực như hoa quả vùng nhiệt đới đặc trưng cho khí hậu của Việt Nam và nhiều mặt hàng đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng được nhu cầu nhiều thị trường, trữ lượng ngày càng lớn và có thể cung cấp cho những thị trường có nhu cầu tiêu thụ cao như Trung Quốc. Nhiều nông sản của Việt Nam giữ những vị trí đứng đầu trong xuất khẩu trên thế giới như càphê, lúa gạo, hạt điều…

Chế biến điều xuất khẩu. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Thứ hai là Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó có nhiều cam kết rất chặt chẽ. Trước tiên là lộ trình giảm thuế về 0% cho hầu hết các mặt hàng xuất khẩu, đồng thời có nhiều quy định mới về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, môi trường. Các FTA thế hệ mới tác động tích cực tới hoạt động thương mại, xuất khẩu thông qua thúc đẩy các dòng thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ.Như hiệp định EVFTA từ khi có hiệu lực từ tháng 8/2020, các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam xuất sang EU đã tăng lên hơn 20% trong những năm vừa qua. Các FTA thế hệ mới cũng góp phần giúp xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với các nước trong thị trường nội khối có mức tăng trưởng khá cao.Thứ ba là sự phát triển ngày càng nhanh và mạnh mẽ của khoa học công nghệ với việc ứng dụng nền tảng số sẽ đem lại nhều cơ hội cho chuyển đổi chuỗi giá trị nông sản Việt Nam. Công nghệ số sẽ hỗ trợ, góp phần chuyển từ hệ thống canh tác và phân phối truyền thống sang hệ thống canh tác thông minh, phân phối hiện đại tích hợp với các nền tảng trực tuyến và kết nối các quốc gia với nhau.Thứ tư là phát triển chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu. Chuỗi cung ứng nông sản bao gồm doanh nghiệp, nhà thu gom hàng nông sản, nhà sản xuất, chế biến và phân phối, các đơn vị cung ứng dịch vụ logistics tham gia vào quá trình chuyển đổi hàng nông sản từ trang trại nuôi trồng cho đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Mục tiêu của chuỗi là đảm bảo cung cấp một cách hiệu quả cho thị trường quốc tế sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, an toàn, tiện lợi với mức giá phù hợp và sự lựa chọn đa dạng, cũng như thân thiện với môi trường, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng trên thị trường.Không ít thách thứcQuá trình hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện, mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức mới trong thời gian tới.Trước hết là quá trình hội nhập quốc tế làm gia tăng cạnh tranh. Việt Nam đã ký kết tham gia và đàm phán 17 FTA. Tham gia FTA sẽ thu hút nhiều vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, đây là một thách thức lớn đặt ra, xu hướng đầu tư vào ngành nông nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài với lợi thế cả về tài chính, công nghệ và thị trường.

Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu ở nhà máy của Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Cửu Long An Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Với lợi ích thu được từ Hiệp định, nhất là những ưu đãi về thuế quan, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ dịch chuyển nhà máy từ nhiều quốc gia khác sang Việt Nam, gây áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nông nghiệp trong nước. Khi đó nông sản trong nước sẽ bị cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là cạnh tranh về giá cả và chất lượng sản phẩm.

Quá trình hội nhập làm thu hẹp một số lĩnh vực sản xuất có khả năng cạnh tranh thấp. Các nước đang phát triển mạnh sản xuất nông sản với chất lượng cao cũng trở thành đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên các thị trường xuất khẩu gạo như Campuchia, Myanmar; xuất khẩu thủy sản như Ấn Độ, Mexico, Indonesia.

Tiếp đến là yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng nông sản xuất khẩu ngày càng cao. Thị trường tiêu dùng hàng nông sản hướng đến các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, trách nhiệm xã hội đòi hỏi các sản phẩm nông, lâm, thủy sản được khai thác hợp lý, từ đó đưa ra các tiêu chuẩn tương ứng về nguồn gốc sản phẩm như thủy sản, rau quả, gỗ…

Các quốc gia và người tiêu dùng trên thế giới đang đặt mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải carbon. Nông sản Việt Nam đối mặt với nguy cơ chịu mức thuế đối với sản phẩm có mức phát thải lớn. Đây cũng là một trong những thách thức với xuất khẩu nông sản Việt Nam trong khi hệ thống truy xuất nguồn gốc, quản lý khai thác chưa được thực hiện bài bản, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp bắt đầu quá trình đổi mới để thích ứng được với bối cảnh mới.

Ngoài ra, nông sản cũng sẽ đối mặt với nhiều rào cản thương mại, chính sách nhập khẩu của các nước với những yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường và xã hội.

Kho gạo xuất khẩu tại ấp Bình Cang, xã Bình Thành, huyện Thủ Thừa (Long An). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thứ ba là chủ nghĩa bảo hộ thương mại xuất hiện trở lại. Những biến động kinh tế, chính trị, xã hội trên thế giới như dịch bệnh COVID-19, xung đột Nga-Ukraine, xung đột thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc, xung đột lãnh thổ trong các khu vực và giữa các nền kinh tế lớn, thay đổi trong chính sách thương mại của các quốc gia dẫn đến xu hướng bảo hộ gia tăng. Thêm vào đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành và hiệu quả sản xuất, giảm sức cạnh tranh về giá của nông sản Việt Nam, giá xăng dầu biến động tạo bất ổn trong hệ thống sản xuất kinh doanh.

Thứ tư là phải đáp ứng yêu cầu cao về công nghệ. Đây vừa là thuận lợi, vừa là khó khăn đối với phát triển công nghệ ngành nông nghiệp. Việt Nam có nông nghiệp chưa thực sự phát triển, sản xuất còn manh mún, năng suất thấp, công nghệ lạc hậu.

Để đảm bảo các quy định về kỹ thuật, quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn về chất lượng, đáp ứng yêu cầu về môi trường đối với xuất khẩu nông sản chủ lực, cần đáp ứng các yêu cầu về công nghệ sản xuất hàng nông sản xuất khẩu, đặc biệt là công nghệ số như hiện nay.

Để làm được cần đầu tư mạnh vào công nghệ, máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại, ứng dụng nền tảng số, công nghệ số vào quy trình sản xuất, kinh doanh, đây là một thách thức nhưng cũng là điều kiện để tạo ra năng lực cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Nuôi trồng và thu hoạch tôm nước lợ tại trang trại công nghệ cao ở Sóc Trăng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Thách thức cuối cùng là nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm cùng với biến đổi khí hậu. Nguồn tài nguyên đang dần bị suy thoái và cạn kiệt, sự gia tăng dân số, phát triển công nghiệp, đô thị hóa làm thu hẹp diện tích đất đai, diện tích rừng đầu nguồn. Nước sông, biển đang bị ô nhiễm nặng nề, chất lượng nước ngày càng xấu đi do có nhiều độc tố từ các chất thải kim loại nặng, chất thải hữu cơ, vô cơ từ sinh hoạt, sản xuất, các dư lượng hóa dược nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ các tác động của thiên tai như biến đổi khí hậu dẫn đến các hình thái thời tiết xảy ra bất thường, nhiệt độ tăng cao, mưa đá, nước biển dâng, xâm nhập mặn mức độ nghiêm trọng hơn, dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh hàng nông sản trong đó đặc biệt là các hàng nông sản chủ lực như gạo, càphê, rau quả, thủy sản, gỗ./.

(Vietnam+)

Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/co-hoi-thach-thuc-trong-giai-doan-toi-cua-xuat-khau-nong-san-chu-luc/895830.vnp

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *