Thị trường nông sản: Giá lúa vẫn ở mức cao
Trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có sự giảm giá nhẹ ở một số loại. Tuy nhiên, giá lúa vẫn ở mức khá cao so với vụ Đông Xuân năm ngoái nên nông dân rất phấn khởi nhờ được mùa, được giá.
Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, giá lúa tại Sóc Trăng như sau: Đài thơm 8 là 8.000 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; ST 24 cũng giảm tương tự còn 8.500 đồng/kg OM 4900 là 6.700 đồng/kg, ST 24 là 8.500 đồng/kg.
Tại Cần Thơ, giá lúa vẫn ổn định như lúa Jasmine là 7.600 đồng/kg, OM 4218 là 6.600 đồng/kg; IR 50404 ở mức 6.200 đồng/kg, giảm 600 đồng/kg.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, hiện lúa OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức từ 6.600 – 6.800 đồng/kg; OM 5451 từ 6.400 – 6.600 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 6.700 – 6.800 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; Nàng hoa 9 từ 6.500 – 6.700 đồng/kg; IR 50404 từ 6.300 – 6.500 đồng/kg.
Với nếp, nếp An Giang có giá từ 5.600 – 5.900 đồng/kg; nếp Long An từ 6.600 – 6.800 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.
Tỉnh An Giang đang đẩy mạnh sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao có liên kết với doanh nghiệp. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, phát triển khoảng 100.000 ha chuyên canh loại này.
Cùng với đó, An Giang cũng phấn đấu đến năm 2025 cấp mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu cho khoảng 70 – 80% diện tích lúa chất lượng cao xuất khẩu.
Hiện nông dân Tiền Giang cũng đang khẩn trương thu hoạch nhanh gọn vụ Đông Xuân trong những ngày tới. Trong vụ này, nông dân Tiền Giang phấn khởi bởi trúng mùa, trúng giá, việc tiêu thụ lúa hàng hóa đẩu vụ khá thuận lợi. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, so với vụ Đông Xuân năm trước, giá lúa đầu vụ tăng hơn từ 500 – 1.000 đồng/kg, tùy giống. Nông dân có được doanh thu tốt, bình quân đạt 30 triệu đồng/ha.
Huyện ven biển Gò Công Đông là một trong những vùng trồng lúa chất lượng cao nổi tiếng ở tỉnh Tiền Giang với các giống ST 24, ST 25, Đài thơm 8, Nàng hoa 9… được ưa chuộng trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo khảo sát của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, giá các giống lúa chủ lực của địa phương trong những ngày qua đều tăng khá so với vụ Đông Xuân năm trước. Điển hình như: lúa các giống ST 24, ST 25 thương lái thu mua từ 7.200 – 7.300 đồng/kg; Nàng Hoa 9 thương lái thu mua từ 7.100 – 7.200 đồng/kg; lúa giống OM 5451 giá 6.800 đồng/kg; Đài thơm 8 giá 7.000 đồng/kg…
Nhìn lại thị trường lúa tháng2/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá lúa tăng, giảm không đồng nhất giữa các địa phương tại khu vực Đồng bằng sông Cửu long. Giá lúa thường IR 50404 tại An Giang ở mức 6.300 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; lúa chất lượng cao OM 5451 ở mức 6.400 đồng/kg, ổn định. Tại Vĩnh Long, lúa IR50404 ở mức 6.500 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg. Tại Kiên Giang, lúa thường ở mức 6.400 – 6.500 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 6.700 – 7.000 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức 6.900 – 7.200 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg.
Thị trường gạo các tỉnh miền Nam biến động tăng trong tháng 2, với giá gạo IR50404 tại Vĩnh Long tăng 2.000 đồng/kg lên 13.000 đồng/kg, gạo Jasmine tăng 2.000 đồng/kg lên 16.000 đồng/kg; gạo IR 50404 An Giang giữ ở mức 11.500 đồng/kg; gạo Jasmine có giá 15.000 đồng/kg. Gạo tẻ thường và gạo Tài nguyên tại thị trường TP Hồ Chí Minh có giá 14.000 đồng/kg và 20.000 đồng/kg.
Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm được chào bán ở mức từ 440 – 445 USD/tấn, giảm so với mức từ 457 USD/tấn một tuần trước, do nguồn cung đang tăng trong vụ thu hoạch Đông Xuân. Các thương nhân cho biết, trong khi giá có thể giảm hơn nữa khi vụ thu hoạch đạt đỉnh trong tháng này, nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ sẽ ngăn chặn sự suy giảm rõ rệt.
Tương tự, giá gạo Ấn Độ đã giảm trong tuần này do nhu cầu từ người mua ở châu Phi giảm, trong khi Bangladesh tìm cách kiểm soát lượng gạo tích trữ để kiểm soát tỷ giá nội địa tăng cao tác động lên mặt hàng gạo chủ lực. Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giảm xuống còn từ 390 – 395 USD/tấn từ mức từ 397 – 404 USD/tấn, mức cao nhất trong khoảng 2 năm, ảnh hưởng bởi sự mất giá của đồng rupee.
Một đại lý có trụ sở tại Mumbai (Ấn Độ) cho biết, hoạt động mua hàng từ các nước châu Phi đã chậm lại một chút do giá gạo tăng gần đây. Tháng trước, hai nguồn tin từ Chính phủ cho biết Ấn Độ không có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và cắt giảm mức thuế 20% đối với gạo trắng xuất khẩu do Ấn Độ – nước xuất khẩu hàng đầu thế giới – đang nỗ lực kiềm chế đà tăng giá gạo trong nước.
Tại Bangladesh, giá gạo nội địa vẫn tăng mặc dù mùa màng bội thu và lượng dự trữ cao. Các quan chức nước này cho rằng việc giá gạo tăng chủ yếu là do các đại lý tăng cường tích trữ.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được niêm yết ở mức 450 USD/tấn, giảm nhẹ so với mức tương ứng 460 USD/tấn vào tuần trước. Một thương nhân ở Bangkok cho biết: “Cung và cầu không có nhiều thay đổi vì mới là đầu tháng, vì vậy chúng tôi phải chờ vụ thu hoạch mới”.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) của Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch cuối tuần 3/3, trong đó giá ngô và đậu tương đồng loạt tăng, còn giá lúa mỳ lại giảm.
Khép phiên này, giá ngô giao tháng 5/2023 tăng 6 xu Mỹ (0,95%) lên 6,7775 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 5/2023 giảm 4 xu Mỹ, tương đương 0,56%, xuống 7,0875 USD/bushel. Trong khi đó, giá đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 9,5 xu Mỹ (0,63%) lên 15,1875 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Trọng tâm của thị trường vẫn đang đặt vào những ước tính cho thấy vụ mùa của Argentina có thể giảm do nước này đang phải hứng chịu đợt hạn hán lịch sử.
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho rằng, mức giá hiện tại của ngũ cốc có nhiều khả năng tăng cao hơn thay vì giảm giá trong ngắn hạn, đồng thời cho rằng các đợt tăng giá đang mang lại cơ hội bán tháo hàng.
Báo cáo hàng ngày của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) không cho thấy sự gia tăng nhu cầu mới. Nhưng giữa những tin đồn gần đây về việc ngô và lúa miến của Mỹ được bán sang Trung Quốc và giá ngũ cốc giao tại cửa khẩu (FOB) của Ukraine tăng, vẫn tồn tại cơ hội cho nhu cầu xuất khẩu ngô của Mỹ được cải thiện.
Diễn biến thị trường trong 30 ngày tới sẽ được xác định bởi điều kiện thời tiết ở Bắc bán cầu.
Argentina vẫn đang chứng kiến thời tiết nóng và khô cằn cho đến ngày 13/3. Nhưng miền bắc Argentina đang chờ đón những cơn mưa. Tình trạng khô hạn tương đối ở miền Trung Brazil vẫn cho phép tiến độ thu hoạch đậu tương bình thường tại đó.
Về thị trường cà phê thế giới, giá cà phê trên hai sàn giao dịch New York của Mỹ và London của Anh trở lại xu hướng tiêu cực do lo ngại rủi ro tăng cao trước khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì mức lãi suất cao kéo dài.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn kỳ hạn ICE Europe – London đảo chiều giảm. Giá cà phê giao tháng 5/2023 giảm 18 USD, xuống 2.162 USD/tấn và giá cà phê giao tháng 7/2023 giảm 16 USD, còn 2.1650 USD/tấn. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica kỳ hạn trên sàn ICE US – New York sụt giảm phiên thứ bảy liên tiếp. Giá cà phê Arabica giao tháng 5/2023 giảm 4,35 xu, xuống 177,85 xu/lb và giá cà phê kỳ hạn tháng 7/2023 giảm 4,20 xu, còn 177,20 xu/lb (1 lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch cao trên mức trung bình.
Giá cà phê kỳ hạn trở lại xu hướng tiêu cực sau Báo cáo Thương mại tháng 1/2023 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO). Theo báo cáo, tất cả các chỉ số giá trung bình vẫn ổn định, chỉ giảm nhẹ so với tháng cuối cùng của năm 2022.
Trong vòng 12 tháng tính tới tháng 12/2022, xuất khẩu cà phê Arabica giảm 1,13 % so với năm trước đó, xuống đạt tổng cộng 79,67 triệu bao, trong khi xuất khẩu Robusta tăng nhẹ 0,01 triệu bao, lên đạt tổng cộng 48,29 triệu bao. Tính chung xuất khẩu 3 tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại 2022 – 2023 đã giảm 2,8% xuống ở mức 30,27 triệu bao so với 31,14 triệu bao cùng kỳ niên vụ 2021 – 2022. Trong khi đó, lo ngại rủi ro tiếp tục tăng cao trước suy đoán Fed sẽ duy trì mức lãi suất cao kéo dài.
Lo ngại thiếu hụt nguồn cung cà phê toàn cầu đã có phần giảm bớt khi báo cáo xuất khẩu cà phê khu vực Trung Mỹ đã có sự hồi phục đáng kể, đã hỗ trợ mức tồn kho gia tăng trên cả hai sàn giao dịch cà phê kỳ hạn.
Trong khi đó, đồng USD tiếp tục gia tăng do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm mạnh đã kích thích dòng vốn đầu cơ kéo về các sàn hàng hàng hóa phái sinh, đã hỗ trợ giá vàng và dầu thô bật tăng trở lại nên bỏ qua giá cà phê như là sự tất yếu.
Bích Hồng – Minh Trang (TTXVN)