Định hướng công nghiệp hóa để đưa dừa thành nông sản tỷ USD
Xuất khẩu dừa và các sản phẩm liên quan năm 2022 của Việt Nam đạt 900 triệu USD, đang tiệm cận nhóm mặt hàng tỷ USD, do đó ngành này được định hướng phát triển theo hướng công nghiệp trong năm 2023 để khai thác hết tiềm năng.
Thống kê từ Hiệp hội Dừa Việt Nam (VCA) cho biết, kết quả xuất khẩu nhóm ngành dừa trong năm qua chưa bao gồm các sản phẩm làm từ gỗ dừa và các sản phẩm thủ công thương mại sử dụng nguyên liệu từ cây dừa.
Ngành dừa Việt Nam hiện có gần 90 sản phẩm các loại đã được đưa ra thị trường, trong đó có những mặt hàng có giá trị kinh tế cao như tinh dầu dừa phục vụ cho các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Bên cạnh đó có gần 200 sản phẩm thực phẩm có sử dụng nguyên liệu dừa.
Cả nước hiện có 90 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ dừa, trong đó có 42 doanh nghiệp đã xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu “Made in Vietnam”.
Ngành dừa không đơn thuần là những doanh nghiệp chuyên sản xuất về dừa mà còn có nhiều doanh nghiệp khai thác nguyên liệu từ dừa như sản xuất thực phẩm, sản xuất tinh dầu trong lĩnh vực y tế.
Trong năm 2022, Việt Nam là nước xuất khẩu các sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đạt 900 triệu USD.
Tại hội nghị “Xúc tiến thương mại ngành dừa và các ngành liên quan đến dừa” vừa tổ chức tại TP HCM ngày 25/2, nhiều chuyên gia nhận định, với định hướng phát triển chuỗi giá trị bền vững từ vùng trồng, đầu tư công nghệ chế biến sâu thì giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ dừa của Việt Nam hoàn toàn có thể vượt con số 1 tỷ USD trong vòng 2 năm tới.
Định hướng phát triển công nghiệp ngành dừa
Tại hội nghị xúc tiến thương mại ngành dừa, ông Cao Bá Đăng Khoa, Quyền Tổng thư ký, Phó trưởng đại diện Hiệp hội dừa Việt Nam tại Cộng đồng dừa thế giới nhận biết, thời gian qua ngành dừa Việt Nam trải qua 2 đợt dịch bệnh làm chậm tốc độ tăng trưởng mà cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan chức năng cả nước đã từng kỳ vọng.
Với những lợi thế mà Trung ương đã tạo điều kiện cho ngành dừa như xây dựng bộ nhận diện quốc gia cho ngành thực phẩm từ dừa, đồng thời là 1 trong 9 nhóm ngành đầu tiên được Chính phủ đặt nhiều mục tiêu cho việc thúc đẩy phát triển. Ngoài ra, Hiệp hội cũng được tin tưởng trao trọng trách đại diện ngành dừa Việt Nam tại Cộng đồng dừa thế giới (ICC).
Nhấn mạnh thân cây dừa đang có tiềm năng khai thác lớn để cho ra sản phẩm gỗ dừa. Đại diện Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết lợi thế của gỗ dừa là không nằm trong bất kỳ nhóm gỗ hạn chế nào trên thị trường nhưng giá trị lại rất lớn. Gỗ dừa được xếp vào nhóm một – nhóm gỗ có giá trị cao nhất của quốc gia
Tại địa phương được mệnh danh là “xứ dừa” với diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước, tỉnh Bến Tre đang triển khai xây dựng đề án khuyến công quốc gia điểm về “Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất sản phẩm từ dừa giai đoạn 2023 – 2025”.
Dự toán kinh phí thực hiện trên 76 tỷ đồng, trong đó khuyến công quốc gia hỗ trợ 10,5 tỷ đồng, khuyến công tỉnh trên 6,9 tỷ đồng và đối ứng của đơn vị thụ hưởng.
Khi đề án được triển khai hoàn thành sẽ góp phần hỗ trợ ngành chế biến dừa trở thành một trong những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre phát triển theo hướng bền vững. Đồng thời, đây là mô hình mẫu để nhân rộng sang các ngành công nghiệp thế mạnh khác của tỉnh và là mô hình điểm để các tỉnh bạn học tập làm theo.
Cũng trong ngày 25/2, UOB ( Ngân hàng United Overseas Bank Việt Nam – Thụy Sỹ) và Hiệp hội dừa Việt Nam (VCA) đã ký hợp tác giải quyết bài toán vốn phát triển ngành dừa và các ngành liên quan tới dừa. Việc ký kết này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngành dừa tiếp cận nguồn vốn sản xuất kinh doanh và các dịch vụ từ UOB.
Phương Thảo
Nguồn: https://mekongasean.vn/dinh-huong-cong-nghiep-hoa-de-dua-dua-thanh-nong-san-ty-usd-post18274.html