Hiến kế phát triển thị trường nông sản và du lịch nông thôn vùng ĐB sông Cửu Long
Nông sản và du lịch nông thôn là một trong những định hướng phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long, bởi nó gắn liền với những giá trị của phát triển bền vững, cũng như dựa trên thế mạnh của vùng.
Tuy nhiên, lợi thế của vùng là vậy, nhưng phát huy được lợi thế vẫn là bài toán còn bỏ ngỏ lời giải bởi nhiều vấn đề nan giải.
Trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế về “Đầu tư phát triển thị trường nông sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và du lịch nông thôn”, tổ chức tại Cần Thơ ngày 28/9, do Tổ chức Hữu nghị Thành phố Cần Thơ phối hợp cùng Trường Đại học Cần Thơ, Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF/Cộng hòa Liên bang Đức) chủ trì, những vấn đề này được thảo luận để có những giải pháp đưa nông sản và du lịch nông thôn của vùng phát triển xứng với tiềm năng.
* Tiềm năng còn “ngủ đông”
Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực phát triển nông nghiệp trọng điểm của cả nước, đóng góp 32% GDP toàn ngành nông nghiệp, góp phần ổn định an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông sản. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% sản lượng các loại trái cây, 95% sản lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.
Bên cạnh đó, đây là vùng được thiên nhiên ưu đãi hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt với độ dài hơn 28.000km; cùng hệ sinh thái đa dạng, từ sinh thái biển đảo, cù lao châu thổ, vườn quốc gia, rừng ngập mặn ven biển và các vùng đất ngập nước độc đáo.
Lợi thế về thiên nhiên và văn hóa giàu bản sắc cho phép vùng phát triển đa dạng các loại hình du lịch: du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch văn hóa, lễ hội, nghỉ dưỡng, nông nghiệp, cộng đồng, MICE… Trong số đó, thế mạnh của du lịch vùng được xác định là du lịch nông nghiệp – nông thôn.
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, tiềm năng là thế nhưng bình quân thu nhập của người dân trong vùng còn thấp, nhất là nông dân. Các sản phẩm nông sản chủ yếu xuất thô, tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch lớn; du lịch còn manh mún nhỏ lẻ, dẫm chân, đơn điệu…
Bàn về thực trạng nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp đã nhận định, chúng ta đã đề ra rất nhiều những chính sách, giải pháp từ Trung ương đến địa phương nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy vậy, việc thực hiện đồng bộ và gắn kết lại chưa hiệu quả.
Thậm chí, có tình trạng thông tư hướng dẫn thực hiện luật không thống nhất giữa các địa phương. Những hạn chế này trong các lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ là rào cản khiến doanh nghiệp khó tiếp cận được với các nguồn vốn ưu đãi. Điều này đồng nghĩa với doanh nghiệp khó lòng thực hiện công cuộc “đổi mới sáng tạo”, nâng cấp máy móc, quy trình theo định hướng tự động hóa, 4.0.
Việc không thể nâng cấp dây chuyền sản xuất sẽ khiến doanh nghiệp rơi vào lòng luẩn quẩn không thể cải tiến mẫu mã, hao hụt sau thu hoạch cao, khó đạt được các quy chuẩn như VietGAP hay GlobalGAP. Như vậy, trong công cuộc cạnh tranh để phát triển, doanh nghiệp nông nghiệp đã “thua ngay từ vạch xuất phát”, dù vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nguồn nông sản dồi dào.
Bàn về du lịch, ông Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ cho biết, thực tế hiện nay du lịch Cần Thơ nói riêng và các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung chưa phát triển xứng tầm với thế mạnh sẵn có, khai thác du lịch chưa đi đôi với bảo tồn thiên nhiên.
Điều này đến từ sự hạn chế trong nguồn nhân lực, nhận thức của cộng đồng, cũng như nguồn vốn đầu tư…, vai trò đầu tàu, “nhạc trưởng” của Cần Thơ trong kết nối phát triển du lịch vùng vẫn còn khá nhạt nhòa.
* Đi tìm giải pháp…
Ngoài cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu được xem là cản trở lớn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nông nghiệp cũng như du lịch nông thôn. Do đó, các chuyên gia cho rằng, các đơn vị đào tạo cần thay đổi, thiết kế, làm mới chương trình đào tạo, đào tạo phải gắn với yêu cầu thực tiễn của vùng. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cơ chế, chính sách đặc thù để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Giáo sư Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF/Cộng hòa Liên bang Đức) nhấn mạnh đến vai trò điều phối, định hướng của Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp cần nhanh nhạy nắm bắt và tận dụng được những hỗ trợ từ Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA).
Trong số đó, lợi thế từ niềm tin ngày càng tăng của các nhà đầu tư châu Âu đối với Việt Nam. Các công ty ở Đồng bằng sông Cửu Long trở thành đối tác thương mại hấp dẫn hơn đối với các nước thành viên EU. Trên cơ sở đó, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có cơ hội thu hút thêm các khoản đầu tư chất lượng cao từ EU, những cuộc chuyển giao kiến thức chất lượng.
Bên cạnh đó, các công ty trong lĩnh vực nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được hưởng lợi từ hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao từ EU. Khi tận dụng được các lợi thế này, sẽ thúc đẩy sự hội nhập của Đồng bằng sông Cửu Long vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Về du lịch, các chuyên gia cho rằng, việc kết hợp du lịch vào chuỗi giá trị nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một giải pháp toàn vẹn. Điều này nhằm gia tăng trải nghiệm cho du khách, nâng cao thu nhập cho nông dân và thúc đẩy đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên thế mạnh về nông nghiệp của vùng.
Tuy vậy, cần định hướng phát triển du lịch nông thôn theo định hướng du lịch bền vững và có trách nhiệm. Về điều này, ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết, hiện Cần Thơ đang xây dựng bộ tiêu chí du lịch bền vững với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP – Swiss Sustainable Tourism Programme). Chương trình do Cục Hợp tác kinh tế Liên bang Thụy Sỹ hỗ trợ cho Việt Nam với định hướng “tạo ra môi trường du lịch cạnh tranh hơn thông qua phát triển bền vững”.
Du lịch bền vững là cam kết mạnh mẽ của tất cả các bên liên quan trong du lịch, cả Nhà nước và tư nhân, để cân bằng lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường của cộng đồng địa phương, khách du lịch và ngành du lịch. Ba trụ cột của du lịch bền vững bao gồm con người, trái đất và lợi ích. “Con người” mang nghĩa văn hóa và cộng đồng địa phương, “trái đất” là môi trường tự nhiên và “lợi ích” đề cập đến sự bền vững kinh tế.
Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sỹ đã xây dựng bộ tiêu chí và chỉ số du lịch bền vững dựa trên sự lựa chọn các tiêu chí từ 25 hệ thống tiêu chí du lịch bền vững quốc tế. Trong số đó, chú trọng vào 11 chủ đề chính: quản lý môi trường chung; quản lý sử dụng hiệu quả điện năng; quản lý sử dụng hiệu quả nước; quản lý nước thải; quản lý chất thải rắn; giảm ô nhiễm không khí và kiểm soát tiếng ồn; hỗ trợ cộng đồng địa phương; hỗ trợ kinh tế địa phương; an toàn và an ninh; quản lý nguồn nhân lực; quản lý kinh doanh…
Trong thời gian tới, Cần Thơ sẽ triển khai bộ tiêu chí du lịch bền vững cho các nhóm chủ thể cụ thể như: doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, homestay, khách sạn vừa và nhỏ, ecolodge, điểm du lịch dựa vào cộng đồng, điểm tham quan vừa và nhỏ… với các tiêu chí đánh giá, chấm điểm cụ thể, chi tiết, dễ hiểu.
Việc thực hiện hiệu quả bộ tiêu chí này sẽ là cơ sở để các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long học tập và nhân rộng mô hình, hướng tới đưa du lịch, đặc biệt là du lịch nông thôn trở thành một thương hiệu của vùng./.
Ánh Tuyết/TTXVN
Nguồn: https://bnews.vn/hien-ke-phat-trien-thi-truong-nong-san-va-du-lich-nong-thon-vung-db-song-cuu-long/260057.html