Nhiều đối tác nước ngoài đánh giá cao hàng hóa của Việt Nam
Chiều 29/7, tại Hà Nội, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước tháng 7/2022. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị.
Trung Quốc nới lỏng một số điều kiện nhập khẩu hàng hóa
Tại hội nghị, đại diện các Thương vụ Việt Nam tại Australia, Ai Cập, Hoa Kỳ, Thụy Điển và Trung Quốc đã thông tin về những diễn biến mới nhất ở thị trường sở tại cũng như các chính sách, quy định thay đổi trong thời gian gần đây. Cùng với đó, đại diện các địa phương như An Giang, Sơn La, các Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam, Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam cũng đã trao đổi về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình xúc tiến xuất khẩu, nhập khẩu, nhu cầu hỗ trợ xúc tiến thương mại và đề xuất hỗ trợ cụ thể từ các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cho các địa phương và hiệp hội.
Theo đại diện các Thương vụ, hiện hàng hóa Việt Nam có nhiều dư địa để xuất khẩu vào các thị trường, nhất là các sản phẩm nông sản, trái cây, thủy hải sản. Tuy nhiên, để thâm nhập thành công thị trường, các doanh nghiệp cần phải chuẩn hóa sản phẩm, tuân thủ các quy định về xuất xứ và các yêu cầu nghiêm ngặt của nước nhập khẩu. Cùng với đó, theo các đại diện Thương vụ, không chỉ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối, quảng bá sản phẩm Việt Nam, các Thương vụ còn kết nối xúc tiến đầu tư.
Thông tin về thị trường Trung Quốc, ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đã có một số điều chỉnh chính sách xuất nhập khẩu, tạo điều kiện tốt hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Theo ông Lai, trong chính sách nhập khẩu mới Trung Quốc mới ban hành, nước này không nhắc đến việc tạm dừng nhập khẩu đối với những lô hàng thủy hải sản đông lạnh nếu phát hiện COVID-19. Cùng với đó, từ tháng 7, phía Trung Quốc cho phép nhập khẩu quả chanh leo của Việt Nam qua 7 cửa khẩu quốc tế đường bộ khu vực tỉnh Quảng Tây; mở cửa thí điểm nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam. Đây là tín hiệu tốt đối với doanh nghiệp Việt Nam do Trung Quốc là đối tác thương mại lớn trên thế giới.
Trong 7 tháng qua, nhu cầu tiêu dùng nội địa của Trung Quốc giảm mạnh, nhiều nhà máy tạm dừng sản xuất do dịch COVID-19 bùng phát. Tuy vậy, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn ghi nhận những kết quả tích cực. Nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu tăng cao, trong đó cá và động vật giáp xác đạt kim ngạch 844 triệu USD, tăng mạnh; trái cây và quả hạch đạt kim ngạch 910 triệu USD, tăng 53,4%; riêng thanh long đạt 377 triệu USD với khối lượng 415,6 nghìn tấn.
Chính sách kiểm soát dịch COVID-19 chặt chẽ của Trung Quốc đã khiến tăng trưởng GDP nước này giảm mạnh trong nửa đầu năm. Do đó, Trung Quốc đưa ra nhiều biện pháp để khôi phục kinh tế và thúc đẩy nhu cầu nội địa. Dù thị trường này có tín hiệu nới lỏng điều kiện nhập khẩu hàng hóa, song Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc vẫn khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy hải sản đông lạnh nhập khẩu cần tập trung quản lý an toàn thực phẩm từ đầu nguồn để tránh bị liệt vào danh sách hạn chế nhập khẩu.
Với nhóm hàng nông lâm thủy sản tươi sống, doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch chặt chẽ nhằm giảm thiểu các lô hàng bị phát hiện nhiễm COVID-19. Trường hợp lô hàng bị nhiễm COVID-19, doanh nghiệp cần phối hợp với các Bộ, ngành điều tra nguyên nhân và có biện pháp khắc phục. Tương tự, các loại trái cây tươi vừa được cấp phép xuất khẩu vào Trung Quốc, trong thời gian chờ đợi phê duyệt cấp mã số xuất khẩu cần thực hiện đúng yêu cầu, hướng dẫn đóng gói; thực hiện đúng hoạt động xuất khẩu chanh leo tại 7 cửa khẩu được cho phép mà không thực hiện ở cửa khẩu khác.
Trái cây đông lạnh Việt Nam có nhiều dư địa tại thị trường Australia
Về thị trường Australia, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia Nguyễn Phú Hòa cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Australia trong 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ, với kim ngạch hai chiều lần đầu tiên đạt hơn 8,01 tỷ USD, tăng 38,45% so với cùng kỳ năm trước. Nửa đầu năm 2022, các doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu được khối lượng hàng hóa trị giá 2,78 tỷ USD sang thị trường Australia, tăng hơn 691,35 triệu USD so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam bao gồm cà phê, hàng thủy sản, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, linh kiện điện tử vẫn tăng trưởng ấn tượng. Đơn cử, mặt hàng sắt thép tăng 548,63%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 136,6%; cà phê tăng hơn 106,78%; máy móc thiết bị và phụ tùng tăng hơn 91,47%… Trong khi đó, các mặt hàng rau, củ quả và gạo cũng tiếp tục tăng hai con số.
Hiện, sầu riêng, gạo, mít đông lạnh đã được bày bán ở một số siêu thị tại Australia. Mít đông lạnh đỏ và vàng xuất khẩu sang Australia, đưa đến bao nhiêu bán hết đến đó. Cùng với đó, bơ, gừng đông lạnh cũng đang được tiêu thụ tốt tại Australia. Điều đó cho thấy thị trường Australia có rất nhiều dư địa để hàng nông sản, đặc biệt là nông sản đông lạnh của Việt Nam vào thị trường Australia. Do vậy, Thương vụ đã định hướng được thị trường, xác định được đường đi và cách tiếp cận, xây dựng thương hiệu cho nông sản đông lạnh Việt Nam. Do đó, “doanh nghiệp, địa phương cần phải tự tin để đưa thương hiệu nông sản của Việt Nam sang Australia. Tôi tin rằng, với những nỗ lực từ nhiều phía, mặt hàng nông sản sẽ tiếp tục đi xa hơn nữa nếu như chúng ta làm tốt công tác quảng bá, chất lượng sản phẩm được đảm bảo, duy trì được các tiêu chuẩn theo yêu cầu của nước nhập khẩu”, ông Hòa nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Phú Hòa cho biết các đối tác Australia đánh giá cao hàng hóa của Việt Nam cả về chất lượng và giá thành.
Với tiềm năng phát triển giữa hai nước, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia tin rằng triển vọng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam và Australia sẽ còn tăng trưởng tốt hơn nữa, có khả năng vượt qua dự báo 15 tỷ USD cho cả năm 2022, tiếp tục ghi nhận một kỷ lục thương mại mới cho hai nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước và tác động cùng chiều tới chỉ số tăng trưởng kinh tế. Bộ Công Thương cùng các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp sẽ cùng tìm ra những biện pháp xúc tiến thương mại hiệu quả. Qua các ý kiến đề xuất của các hiệp hội và thông tin từ các Thương vụ, Bộ trưởng đề nghị hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài chủ động nắm bắt thông tin, nhu cầu thị trường để tham mưu Bộ hỗ trợ và đồng hành với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xây dựng chiến lược, thực hiện các biện pháp phát triển kinh doanh quốc tế phù hợp, đồng thời làm tốt công tác thị trường, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả sản xuất, xuất nhập khẩu, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế của cả nước.
Lưu Hiệp
Nguồn: https://baomoi.com/nhieu-doi-tac-nuoc-ngoai-danh-gia-cao-hang-hoa-cua-viet-nam/c/43310990.epi